Vào hè, những tán cây rừng trên ngọn núi Bẹ (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), thấp thoáng màu đỏ của trái cây rừng đến mùa thu hoạch.
Những cành lá ken đặc trái gùi chín nhiều màu xen giữa sắc xanh non của đại ngàn hoang vu khiến cho người được dịp chứng kiến phải xuýt xoa trầm trồ. Bà con người Rai ở quanh núi Bẹ lại nên núi hái trái rừng.
Để hái được trái rừng, người dân mất hơn 4 tiếng đồng hồ men theo những con đường mòn vắt ngược thẳng đứng tiến lên đỉnh núi. Trên vai họ đeo lỉnh kỉnh nào thùng, bao bì và chiếc làn con bên trong có đựng cơm, nước.
Theo người dân, ngày trước, cây thanh trà, cây gùi mọc dày đặc trên núi. Hiện nay, cây thanh trà bị “lâm tặc” cắt phá nên chỉ còn rải rác. Còn cây gùi thuộc loại dây leo, không có giá trị về gỗ nên còn lại khá nhiều.
Mùa hái trái gùi phải lội vào sâu trong rừng, quan sát những cây lớn, cây lùm để tìm. Dây gùi to hơn cổ tay người lớn, sống bám vào thân cây. Những cây gùi lâu năm, gốc toả ra 4-6 dây to lớn như bắp tay người lớn, bám vào những cây gỗ cổ thụ trong rừng, vươn lên tận ngọn để sống và phát triển.
Năm nay, cây thanh trà ra trái sớm, lại mất mùa nên đến đầu tháng 5 là không còn cây nào có trái. Chỉ có cây gùi là ra trái chi chít, nhuộm đỏ cả những cành lá cao tít.
Xem thêm: Loạt ảnh thu hoạch trái gùi ở Núi Bẹ
Trái gùi có nhiều mủ, trái chưa chín có màu xanh, trái chín màu vàng ửng, to hơn quả quýt, vỏ dày, cơm dày bao quanh hạt trong từng múi. Gùi có vị chua chua ngọt ngọt, ăn rất ngon nhưng khó lừa bỏ hạt mặc dù hạt khá lớn.
Leo hái trái gùi không khó, người leo chỉ việc bám theo dây, sợ nhất là lũ kiến vàng, đàn kiến cao chân này bị động tổ tràn ra bám vào áo quần mà cắn, chỉ còn đường phóng lẹ xuống đất cởi hết áo quần ra mà bắt kiến, mà rên la, mà gãi.
Người ta phải trèo lên những cành cao, đu người ra các cành nhánh hoặc dùng móc kéo cành vào gần người để hái từng trái, từng chùm một. Người hái quả gùi phải giỏi leo trèo, chỉ cần một chút sơ sẩy là rơi từ trên cao hàng chục mét xuống đất. Thậm chí, đứng cheo leo trên ngọn cây cao cách mặt đất từ 30- 50m để hái trái gùi.
Ngày trước, vào mùa trái cây rừng chín, người dân địa phương thường tụ tập, hú gọi nhau cùng đi rừng rất đông vui. Nay chỉ có một vài nhóm đi hái trái cây rừng vừa là để kiếm tiền mưu sinh vừa để duy trì một thói quen bao nhiêu đời truyền lại.
Trái gùi sau khi hái được xếp cẩn thận từng lớp vào thùng, can nhựa, giữa mỗi lớp trái lại được chèn một ít lá rừng để tránh trái bị va đập, chà xát làm bầm vỏ. Khi thu hoạch trái gùi, người ta phải rất cận thận dùng kéo cắt từng trái, từng chùm bỏ nhẹ nhàng vào tránh làm bầm, dập. Những trái gùi chín mọng, chỉ nhìn thôi là đã có cảm giác thèm chịu không nổi.
Trái gùi khi nhỏ có màu xanh và sọc trắng nhạt bên ngoài. Người dân địa phương mỗi lần đi thăm rừng đều chú ý quan sát xem trái chuyển màu chưa để “căn” được lúc trái chín rộ thì tổ chức đông người lên rừng hái.
Giá trái gùi lúc đắt nhất vào khoảng 40 ngàn đồng/kg, chính vụ giá chỉ còn 15-20 ngàn đồng/kg, có lúc chỉ bán được với giá 10 ngàn đồng/kg. Theo người dân, những ngày thường họ lo công việc nương rẫy hay đi làm thuê làm mướn. Tranh thủ lúc mùa vụ nông nhàn thì họ mới rủ nhau lên rừng hái trái thanh trà, trái gùi về bán kiếm tiền đong gạo nuôi gia đình.